Wednesday, December 23, 2009

Đương đầu với thách thức từ Trung Quốc


Việc Thủ tướng Việt Nam loan báo về các hợp đồng mua tàu ngầm và vũ khí của Nga đã được nhiều tờ báo và cây bút quốc tế chú ý.
Hãng thông tấn Agence France-Presse, trong bài bình luận phát đi từ Hà Nội, nhận xét các hợp đồng này là nhằm "củng cố tuyên bố chủ quyền chống lại Trung Quốc trong vùng Biển Đông".
Hãng AFP trích ý kiến của nhiều nhà phân tích nói rằng, phần lớn trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam đã quá cũ kỹ nên nước này quyết định bỏ ra ngân sách lớn để phát triển hạm đội ngầm của mình, trogn khi quan ngại gia tăng về căng thẳng với nước láng giềng khổng lồ trong khu vực có Hoàng Sa và Trường Sa.
Hãng tin này trích lời ông Richard Bitzinger, phân tích gia về quốc phòng khu vực tại Học viện Quan hệ Quốc tế mang tên S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng ý tưởng chủ đạo của việc mua vũ khí là "đối chọi lại với việc tăng cường quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông".
Ông Peter Abigail, Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, thì được trích lời nhận định rằng quyết định của Việt Nam không gây ngạc nhiên vì lâu nay nước này đã bày tỏ quan ngại về môi trường hàng hải, "đặc biệt ở vùng Biển Đông".
Tờ nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) xuất bản tại Hong Kong thì đánh giá rằng "Trung Quốc đang đối diện khả năng có đối thủ mới trong sức mạnh tàu ngầm tại Biển Đông" và cho đây là dấu hiệu phản ánh quan ngại của cả khu vực trước tiến trình củng cố hải quân của Bắc Kinh.
Tầm vóc của Trung Quốc khiến toàn bộ châu Á, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, đều không thể sánh được về sức nặng và năng lực với nước này, dù là 20 hay 30 năm nữa. Vậy cho nên chúng tôi cần nước Mỹ để đối trọng.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
Không chỉ có Việt Nam, mà cả Australia, Indonesia và Malaysia đều đang tìm cách mở rộng chương trình tàu ngầm trong khi Mỹ thì lo ngại rằng ảnh hưởng và sự thống lĩnh truyền thống của mình tại Đông Á đang bị việc phát triển hải quân của Trung Quốc thu hẹp lại.
Báo này nhận định, hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc 35 năm trước cho thấy các nước trong vùng đang cảnh giác trước xu hướng là quyền lực mềm của Trung Quốc nay có thể trở nên cứng rắn hơn.
Tờ nhật báo tiếng Anh có uy tín nhận xét: "Với việc mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, Việt Nam còn kiến thiết quan hệ quân sự mới với Moscow, đồng minh chính thời kỳ Chiến tranh lạnh".Chủ trương đa phương hóa quan hệ quốc phòng của Việt Nam cũng được thể hiện trong kế hoạch hình thành quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, quốc gia đang tăng cường hiện diện hải quân tại Biển Đông.
Cân bằng ảnh hưởng
Tất nhiên, Việt Nam nhiều lần khẳng định muốn giải quyết các xung đột, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, nhưng giới chuyên gia cho rằng nước này, với đặc thù có bờ biển dài và trữ lượng dầu khí dồi dào trong lòng biển, cảm thấy dễ bị thương tổn nhất về chiến lược trong lĩnh vực hải quân và đó là lý do Việt Nam muốn có hạm đội tàu ngầm mạnh.
Ngoài tàu ngầm, Việt Nam còn muốn mua thêm nhiều chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2 của Nga.
Đây là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất và có thể bảo vệ, hỗ trợ hải quân từ trên không.
AFP trích lời ông Bitzinger nói: "Việt Nam mong muốn nhất là tăng cường hiện diện của mình về quân sự."
Bưu điện Hoa Nam thì nói rằng ý định tìm cách quân bằng lại sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong các thảo luận cấp cao ở trong khu vực.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu hồi tháng 10 đã nói một câu có tính khái quát cao, trong đó ông đặt câu hỏi về tính minh bạch trong kế hoạch củng cố quốc phòng của Trung Quốc và kêu gọi Hoa Kỳ tham gia.
Ông nói Mỹ sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo toàn cầu nếu không "đối trọng" lại với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Các nước láng giềng không đe dọa được chúng tôi
Tướng Trung Quốc Xu Guangyu
"Tầm vóc của Trung Quốc khiến toàn bộ châu Á, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, đều không thể sánh được về sức nặng và năng lực với nước này, dù là 20 hay 30 năm nữa. Vậy cho nên chúng tôi cần nước Mỹ để đối trọng."
Thế còn Trung Quốc nói gì trước việc Việt Nam mua vũ khí của Nga?
Hãng AFP trích một quan chức giấu tên ở tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội nói rằng cả Việt Nam, Nga và các nước khác trong khu vực đều "cần nghĩ tới hòa bình và hoà bình trong vùng Biển Đông".
Tờ Bưu điện Hoa Nam trích lời một vị tướng của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc nay đã về hưu, ông Xu Guangyu, nói: "Đây không bất ngờ và cũng chẳng phải đe dọa cho Trung Quốc".
"Việt Nam có bờ biển dài và chúng tôi hiểu tại sao họ cần nâng cấp hạm đội. Có thể họ thấy nhu cầu cấp thiết hơn vì chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc."
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nước khác cũng bắt đầu nâng cấp hạm đội của mình. Đa phần hải quân các quốc gia trong khu vực đều làm thế cả và có thể hiểu được điều này."
Tướng Xu cho rằng cạnh tranh ở đâu cũng có, nhưng không nên thổi phồng tầm mức cạnh tranh.
"Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Các nước láng giềng không đe dọa được chúng tôi."


Gepard 3.9
Báo Nga cho biết thêm chi tiết về hai tàu chiến mà Nga đang thực hiện hợp đồng cho Hải quân Việt Nam.
Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ở Tatarstan đang đóng mới hai tàu tuần tra Gepard 3.9, giao hàng cả hai chiếc vào tháng 09/2010.
Tờ Izvestia cho hay tàu hộ tống Gepard-3.9 có khả năng tác chiến với cả tàu ngầm và tàu chiến, đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Công nghệ tàng hình (Stealth technology) được sử dụng, giúp tàu này hiện diện tối thiểu trên màn hình radar của đối phương.
Hai tàu cho Hải quân Việt Nam là thế hệ Gepard đời mới nhất của nhà máy Zelenodolsk, mất tới hai năm rưỡi để chế tạo từ mẫu đang hoạt động thuộc lớp Project 11661.
Vũ khí của Gepard-3.9
Hệ thống tên lửa chống hạm Uran gồm bốn bệ phóng x 4 ống phóng với 16 tên lửa chống hạm Kh-35E.
Một khẩu pháo 76,2 mm АК-176М ở mũi tàu dùng để tác chiến chống mục tiêu mặt nước, mặt đất và máy bay bay thấp, có tốc độ bắn 60-120 phát mỗi phút, tiêu diệt mục tiêu ở cự ly trên 15 km và bay cao 11,5 km.
Ba hệ thống tên lửa-pháo phòng không cao tốc Palma và hai súng máy 14,5 mm.
Hai hệ thống phóng lôi x hai ống phóng 533 mm và một bệ phóng có 12 ống phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000.
Nguyên mẫu của tàu mới này là tàu chiến Tatarstan, hiện đang là đơn vị chủ chốt trong Hạm đội Caspi của Hải quân Nga.
Thành tàu Gepard có 10 ngăn không thấm nước, phòng chống việc nước vào từng phần của tàu. Ngay cả khi hai ngăn bị ngập nước, tàu vẫn không bị chìm và vẫn có khả năng chiến đấu.
Tàu còn được trang bị hệ thống điều hòa không khí hiện đại để phục vụ thủy thủ đoàn trong điều kiện nhiệt đới nóng bức.
Gepard 3.9 dài 102 mét và lượng giãn nước 2.100 tấn. Tàu này có tốc độ đáng nể là 28 hải lý một giờ.
Tốc độ này có thể đạt được là nhờ các turbine dùng cả dầu diesel và khí gas, cho phép tàu có thể đi 5.000 dặm mà không cần tiếp nhiên liệu.
Ở đuôi tàu có sân đỗ cho một trực thăng Ka-28 ASW.
Việt Nam và Nga đều không công bố chính thức trị giá hợp đồng hai chiếc Gepard này, thế nhưng có nguồn tin ước tính chúng vào khoảng 350 triệu đôla để đóng mới.
Xưởng Zelenodolsk trên sông Volga, ở cộng hòa Tatarstan, phục vụ cho Hải quân Nga và các tàu tuần tiễu xuất ra từ đây là lực lượng chính của Hạm đội Biển Caspi.
Tàu Gepard khi giao hàng sẽ trở thành vũ khí chủ lực của Hải quân Việt Nam. Có tin Việt Nam cũng đang tìm cách tự đóng tàu này ở trong nước theo hướng dẫn của Nga.



Việt Nam thay đổi chiến lược quốc phòng

Dương Danh Dy và Nguyễn Huy Hoàng

dịch và giới thiệu




Hoạt động quốc phòng sôi nổi của Việt Nam khiến Trung Quốc chú tâm
Thông tin Việt Nam tăng cường hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng thời gian gần đây không thể không thu hút chú ý của nước láng giềng Trung Quốc.

Diễn đàn Trung Hoa võng (China.com) ngày 11/12/2009 có bài tựa đề 'Việt Nam điều chỉnh gấp chính sách –chuẩn bị dùng vũ lực chiếm Nam Hải' phản ánh một quan điểm về chủ đề này.


Bài trên Trung Hoa võng viết: "Trung Quốc và Việt Nam vừa giải quyết xong vấn đề phân định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc như cất được nỗi lo âu, cuối cùng thì cuộc đàm phán đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn".

Tuy nhiên, dù vất vả nỗ lực như thế, "Việt Nam: một mặt cả nước tỏ ra vui mừng, mặt khác lại mài dao xoèn xoẹt trước các vùng tranh chấp khác".

Bài báo lược qua các sự kiện chính trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự của Việt Nam như:

1. Ngày 08/12/2009, Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó nêu bật trọng tâm vấn đề chủ quyền ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), chỉ thiếu nước về câu chữ chưa nói rõ là tranh chấp lãnh thổ với nước lớn phương Bắc nào đó;

2. Ngày 23/11/2009, Việt Nam thông qua Luật dân quân tự vệ, quy định 86 triệu dân toàn quốc, nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-40 tuổi phải tham gia nghĩa vụ dân quân ;

3. Ngày 01/12/2009, vùng 2 hải quân Việt Nam và 7 tỉnh thành phía Nam ký hiệp ước bảo vệ biển đảo và khu vực phụ cận Nam Sa (Trường Sa), huấn luyện ngư dân phối hợp với hải quân ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm nhập lãnh hải;

4. Truyền thông Việt Nam gần đây cho biết, Việt Nam đã động viên toàn dân tham gia xây dựng quốc phòng, phát huy tính tích cực của vùng biển rộng lớn đặc biệt là của dân chúng vùng phụ cận Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa);

5. Việt Nam mua của Nga 12 chiếc SU-30MK2 và 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, xây sân bay ở Nam Sa và bố trí thêm 1 trung đoàn tăng cường, đồng thời điều 4 binh đoàn chiến lược tới biên giới Trung-Việt.

Mạng Trung Quốc đặt câu hỏi: "Một đường biên giới Trung-Việt vừa mới phân định xong, tại sao trong chớp mắt lại trở nên nhạy cảm và nguy hiểm như vậy?"

Và kết luận: "Xem ra sau khi nếm của ngọt, Việt Nam muốn tiện tay giành thêm quyền lợi hải dương ở Nam Hải."



Chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc
Bài báo trên Trung Hoa võng nhận định rằng nhân dân Việt Nam, kinh qua mấy chục năm chiến tranh, là "một lực lượng không thể xem thường".


Việt Nam đang củng cố quốc phòng
"Nếu thông qua thao túng chủ nghĩa dân tộc hoặc kích động được lòng hận thù dân tộc, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể trong thời gian ngắn động viên được 40 triệu dân quân và nhân viên dự bị chiến đấu, đồng thời có thể tổ chức được 1 triệu bộ đội tác chiến chính quy và 500 nghìn quân dã chiến."

Tác giả viết bài cho rằng kế thừa tư tưởng của Mao Trạch Đông, trong hơn 60 năm vừa qua, Việt Nam luôn theo đường lối quốc phòng toàn dân.

"Một khi chiến tranh giữa chúng ta (Trung Quốc) và Việt Nam nổ ra, liệu chúng ta có đảm bảo chắc thắng?"

"Một khi Trung Quốc cứng rắn trong vấn đề Nam Hải, Việt Nam có dám xé bỏ hiệp ước biên giới để không tuyên chiến mà đánh hay không?"

Mạng Trung Quốc cho rằng, nếu Việt Nam đột kích phòng tuyến trên đất liền của Trung Quốc, tất sẽ tạo ra sự biến động lớn và những tranh chấp lãnh thổ mới.

Tuy Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Hải, song với vị trí địa lý đặc thù ở đây, "các đảo nhỏ ở Nam Hải dễ công khó giữ".

Trung Quốc, theo tác giả bài báo, hoàn toàn có thể sử dụng tên lửa và máy bay thẳng tay tiêu diệt quân địch, nhưng tổn thất cũng sẽ rất lớn.

Còn Việt Nam đứng trên thế “địa lợi”, có thể liên tục quấy rối quân ta trên đảo.

"Do vậy, chỉ có tiến hành cuộc chiến tranh đồng thời trên cả đất liền và trên biển, thì mới có thể chiếm giữ vĩnh viễn toàn bộ Nam Hải và khống chế được Việt Nam."

Thương lái chiến tranh

Bài trên Trung Hoa võng cho rằng, trong trường hợp nổ ra chiến tranh tại Biển Đông, nhất định nhiều nước khác cũng sẽ "dây máu ăn phần".

"Tính chất nhạy cảm của Nam Hải không chỉ ở chỗ nó liên quan tới nhiều quốc gia, mà quan trọng là một số lái buôn chiến tranh cũng muốn thọc tay vào."

Trung Quốc đã ở vào ranh giới chiến tranh, đánh hay không đánh đều có khả năng. Vấn đề là đã lâu Trung Quốc không có chiến tranh. Chỉ cần Trung Quốc phân tâm một chút là sẽ xảy ra tranh chấp biên giới trên diện rộng.
"Mỹ, Ấn Độ, thậm chí Nga đều ngầm ủng hộ VN phát động chiến tranh trên Nam Hải. Và một số nước phương Tây như Anh, Pháp cũng muốn được chia phần ở Nam Hải."

Bài báo phân tích nếu Trung Quốc và Việt Nam có xung đột tại Nam Hải, các quốc gia này này nhất định nhảy ngay vào.

"Thậm chí, Việt Nam và Mỹ còn câu kết với nhau, mỗi nước dựa vào nhu cầu của mình mà tuyên chiến với Trung Quốc."

Tác giả cảnh tỉnh người Trung Quốc phải có chuẩn bị tâm lý, "củng cố lại lòng tin và quyết tâm" cho khả năng chiến tranh xảy ra.

"Trung Quốc đã ở vào ranh giới chiến tranh, đánh hay không đánh đều có khả năng. Vấn đề là đã lâu Trung Quốc không có chiến tranh."

"Chỉ cần Trung Quốc phân tâm một chút là sẽ xảy ra tranh chấp biên giới trên diện rộng."

Kết luận trên trang mạng bán chính thức của Trung Quốc là: "Việt Nam điều chỉnh gấp chính sách, Trung Quốc phải đối phó".

"Chỉ có thay đổi chính sách ngoại giao, thực hiện chiến tranh toàn dân mới có thể nắm chắc chiếc cung chiến tranh, buộc kẻ địch không ra tay hoặc ra tay muộn hơn."