Thursday, February 4, 2010

Á châu thu hút các công ty võ khí

Juliana Liu

Phái viên thương mại Á châu, BBC World


Thao tác "Dump and Burn" của Không Lực Hoàng Gia Úc Đại Lợi

Được đưa vào hoạt động từ thập niên 1960, máy bay tiêm kích F-111 Aardvark chính thức "về hưu" nhân cuộc triển lãm về hàng không tại Singapore.

Không Lực Hoàng Gia Úc sẽ cho loại F-111 bay lần cuối tại Á châu trước khi đưa vào viện bảo tàng.

Và để đánh dấu ngày về hưu này, Không Lực Hoàng Gia Úc sẽ biểu diễn thao tác rất ngoạn mục "Dump and Burn", tức là viên phi công sẽ tháo đồng thời đốt hết nhiên liệu trong khi bay, tạo ra một cụm lửa lớn trên không làm hài lòng lượng khách thưởng ngoạn.

Màn này cũng là tiết mục chính của cuộc triển lãm về hàng không tại Singapore.

Được thiết kế để phục vụ cho cuộc chiến Việt Nam, F-111 là loại máy bay tiêm kích thuộc thế hệ thứ ba, và thế hệ thứ tư thậm chí thứ năm đã được giới thiệu trong cuộc triển lãm lần này.

Trung quốc được ví như một con đười ươi nặng 800 cân, do đó, dù nó có đứng, có chạy lung tung hay thậm chí gãi lưng đi chăng nữa, thì cũng làm cho thế giới quan tâm

Dean Cheng, Heritage Foundation
Theo một số nhà phân tích, Á châu ngày nay là thương trường bậc nhất để cho các giám đốc các công ty chế tạo quân cụ, đến chào hàng.

Dean Cheng, thuộc viện nghiên cứu Heritage Foundation có trụ sở tại Washington nói: "Quân đội của các nước Á châu đang phát triển vì một số lý do. Thứ nhất các nước này giàu có hơn xưa nhiều. Phú quý sinh ra trách nhiệm."

Khổng lồ Trung Quốc

Giáo sư Dean Cheng nói rằng thanh thế ngày càng tăng cao của Trung Quốc trên trường quốc tế là lý do chính cho chi tiêu về quốc phòng tại Á châu. Ông đã nói như trên trong một hội nghị quốc tế về an ninh diễn ra song song với cuộc triển lãm về hàng không tại Singapore.


Cuộc triển lãm hàng không tại Singapore đã quy tụ các công ty sản xuất võ khí lớn của phương Tây
Ông nói tiếp: "Mưu đồ của Trung Quốc? Hiện chưa ai rõ, nhưng Trung quốc được ví như một con đười ươi nặng 800 cân, do đó, dù nó có đứng, có chạy lung tung hay thậm chí gãi lưng đi chăng nữa, thì cũng làm cho thế giới quan tâm".

Trong lúc đó, ông Zhu Feng, giáo sư tại trường đại học Bắc Kinh, nói rằng trên thực tế các nước láng giềng chi tiêu nhiều hơn Trung Quốc.

Nam Hàn đã gia tăng ngân sách quốc phòng lên 9% trong năm 2009 so với 7% trong năm 2008, mặc đang gặp khủng hoảng tài chính.

Ông nói tiếp nước Nga, trong lúc đó, đã đột ngột gia tăng ngân sách quốc phòng lên 43%.

Australia, giàu có hơn nhờ Bắc Kinh, đã có kế hoạch chi tiêu hàng trăm triệu đô-la để nâng cao hỏa lực trong hai thập niên sắp tới.

Hăm dọa chế tài

Trong năm ngoái, Trung Quốc đã chi tiêu 14.6% hơn năm trước đó.

Giáo sư Zhu Feng nói "Các nước này chi tiêu nhiều hơn là vì lo ngại trước sự trổi dậy của Trung Quốc, và theo quan điểm của tôi, mặc dù các nước này lo ngại thái quá nhưng ảnh hưởng có thật."

Tuần qua, Bắc Kinh đã lớn tiếng phản đối kế hoạch của Washington bán 6.4 tỷ đô-la cho Đài Loan, một vùng đất mà Trung Quốc coi là bất khả phân.

Trung Quốc thậm chí đã đe dọa sẽ trả đũa các công ty nào bán võ khí cho Đài Loan.

Mặc dù các công ty võ khí của phương Tây nằm ngoài vòng khống chế của Trung Quốc, thế nhưng tình hình căng thẳng về mặt chính trị địa lý tại Á châu đã giúp tạo ra một môi trường mới cho thương mại.
Máy bay tiêm kích F 35 của công ty Lockheed Martin
''Khi chúng tôi nói với các khách người Á châu, thì họ đều có một số mục tiêu về an ninh cần phải đạt đến'', ông Stephen O'Bryan, một phó giám đốc của công ty Lockheed Martin đã nói trên.

Nhiệm vụ ông Stephen O'Bryan là phải bán máy bay tiêm kích tiên tiến nhất, thuộc thế hệ thứ năm được đặt tên là F-35 Joint Strike Fighter cho các khách hàng khắp thế giới.

Ông nói tiếp: "Các nước này cần phải hiện đại hóa không lực của họ."

Ông O'Bryan dự trù sẽ dành nhiều thời giờ trong năm nay để thuyết phục Nam Hàn và Nhật Bản, vì cả hai nước này sẽ nghe các công ty trình bày trước khi quyết định mua loại máy bay nào. Hợp đồng mua bán trị giá hàng tỷ đô-la.

Không lồ Ấn Độ

Chen giữa Pakistan và Trung Quốc, nước Ấn Độ được nhiều chuyên gia coi là thị trường chót lớn nhất cho loại máy bay tiêm kích thuộc thế hệ thứ tư.

Đề Li hiện vẫn đang cân nhắc giữa sáu loại máy bay tiêm kích để hiện đại hóa không lực.

Hiện đang trong vòng lựa chọn của Ấn Độ là các chiếc F-16 của công ty Lockheed, loại Eurofighter Typhoon của công ty EADS, F-18 của Boeing, MiG-35 và MiG-29 của Nga, Rafale của Pháp và Gripen của công ty Saab Thụy Điển.

Hợp đồng cho 126 chiếc máy bay được đánh giá là khoảng 12 tỷ đô-la, lớn nhất từ một thế kỷ nay. Công ty Lockheed Martin nói rằng hải quân Ấn Độ tỏ ý quan tâm tới loại máy bay F-35 của họ.


Ông Patrick Choy nói "nếu chúng tôi tại Ấn Độ, thì nước này sẽ trở thành thị trường lớn nhất của chúng tôi"
Đối với nhiều công ty, Ấn Độ là một thị trường võ khí dễ xăm nhập vì công nghệ kém phát triển hơn Trung Quốc.

Công ty ST Engineering của Singapore nói rằng họ chưa bao giờ tìm cách vào thị trường Trung Quốc, nhưng đã cố chen chân vào bán lục địa Ấn.

Ấn Độ sẽ bắt đầu bắn thử loại đại bác 155mm của công ty này vào tháng Hai, sau khi Đề Li bải bỏ lệnh cấm bán buôn với họ. Nghe nói là hợp đồng này trị giá hàng tỷ đô-la.

''Nếu chúng tôi thành công tại Ấn Độ, thì nước này sẽ trở thành thị trường lớn nhất của chúng tôi'', Patrick Choy, phó giám đốc điều hành công ty ST Engineering đã nói như trên.

Ông nói tiếp: "Ấn Độ không chịu súng của Trung Quốc, và chúng tôi là giải pháp lựa chọn để thay thế võ khí của các công ty lớn phương Tây."

Ngân sách quốc phòng của các nước Á châu còn kém xa Hoa Kỳ, tuy nhiên, chừng nào mà các nước này còn lo ngại trước sự trổi dậy của Trung Quốc, thì các tay buôn võ khí sẽ thấy đó là một thị trường càng lúc càng lớn lớn mạnh.

No comments:

Post a Comment